GDVN - Công việc của phó hiệu trưởng chuyên môn khá áp lực và tất nhiên phải luôn sáng tạo mới có thể hài hòa được công việc, tạo được đoàn kết nội bộ trong trường.
Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp trung học cơ sở đang có phần phức tạp hơn so với cấp tiểu học và trung học phổ thông vì có nhiều môn học tích hợp; nhiều môn có yếu tố tích hợp nên dẫn đến công việc triển khai có phần khó khăn.
Chính vì thế, các phó hiệu trưởng chuyên môn ở cấp trung học cơ sở cũng vất vả hơn vì ngoài quản lý chuyên môn, họ vẫn phải dạy theo định mức 4 tiết/ tuần. Ngoài ra, các buổi tập huấn chuyên môn của nhà trường; các hoạt động thao giảng chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh do các tổ chuyên môn của trường đảm nhận đều phải có mặt.
Đặc biệt, việc phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần cũng đang chiếm mất rất nhiều thời gian của các phó hiệu trưởng chuyên môn bởi lẽ gần như tuần nào sắp thời khóa biểu cũng có những thay đổi giữa phân môn này với phân môn khác trong một số môn học.
Phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở có nhiệm vụ như thế nào?
Theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 11, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về Phó hiệu trưởng trường trung học như sau:
“Điều hành công việc được hiệu trưởng phân công phụ trách hoặc ủy quyền; Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia dạy học theo quy định về định mức giờ dạy đối với phó hiệu trưởng”.
Chính vì thế, nhiều phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở hiện nay được hiệu trưởng “phân công” rất nhiều việc khác nhau.
Đối với trường loại I sẽ có 2 phó hiệu trưởng nên nhiệm vụ còn được chia sẻ với nhau nhưng trường loại II, loại III thì phó hiệu trưởng là người được hiệu trưởng phân công phụ trách nhiều mảng hoạt động của nhà trường, như: chuyên môn; ngoài giờ; phổ cập.
Thậm chí, có trường, phó hiệu trưởng còn kiêm nhiệm thêm chức chủ tịch Công đoàn vì quy định chức danh này phải là đảng viên trong chi ủy của nhà trường.
Điều này có nghĩa, phó hiệu trưởng chuyên môn ở các trường loại I hoặc phó hiệu trưởng ở các trường loại II, III đang có rất nhiều đầu công việc khác nhau. Họ phải giảng dạy theo quy định 4 tiết/ tuần. Ngoài ra, phải phụ trách, xây dựng các kế hoạch do mình phụ trách trình cho hiệu trưởng và triển khai đến các bộ phận.
Bên cạnh đó, họ cũng tham gia rất nhiều hoạt động, họp hành của ngành, của địa phương nên nhiều thầy cô khi được cơ cấu làm phó hiệu trưởng thường không muốn đảm nhận vì công việc nhiều mà phụ cấp chức vụ so với tổ trưởng chuyên môn không chênh lệch bao nhiêu nhưng trách nhiệm nặng nề hơn rất nhiều.
Đặc biệt, khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng sẽ liên quan đến Ủy ban nhân dân huyện (thị, thành) và Phòng Giáo dục và Đào tạo nên muốn nghỉ cũng không đơn thuần như các chức vụ đoàn thể, chính quyền khác trong nhà trường.
Đó là chưa kể một số phó hiệu trưởng khi hết nhiệm kỳ có thể bị luân chuyển đến những đơn vị khác với quãng đường khá xa và không phải nhà giáo nào khi được bổ nhiệm phó hiệu trưởng là được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nên nhiều thầy cô suốt cả mấy chục năm chỉ gắn liền với công việc phó hiệu trưởng hết trường này đến trường khác.
Phó hiệu trưởng chuyên môn vất vả, dễ đụng chạm với nhiều giáo viên nhất
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp trung học cơ sở có một số môn học tích hợp hoặc yếu tố tích hợp như: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh); Lịch sử và Địa lí (Sử, Địa); Nội dung giáo dục địa phương (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).
Những môn học này được “tích hợp” từ nhiều môn học của chương trình 2006 lại với nhau nên số tiết của mỗi phân môn trong các môn học mới ở chương trình 2018 cũng khác nhau và đương nhiên là phải tính toán, phân chia, bố trí giảng dạy khá rắc rối.
Chẳng hạn như môn Nội dung giáo dục địa phương hiện nay có 35 tiết/ năm/ lớp đang được “tích hợp” từ 6 phân môn khác nhau, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật nhưng số tiết không đều nhau.
Phân môn Ngữ văn có 9 tiết; các phân môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, mỗi phân môn có 6 tiết; phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi phân môn có 4 tiết/ năm/lớp và đang được hướng dẫn giảng dạy ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm học.
Chính vì thế, có lúc hết phân môn này đến phân môn khác, có thời điểm 2 phân môn dạy song song với nhau. Cuối học kỳ lại phải họp các tổ chuyên môn lại để tính toán, phân chia tỉ lệ phần trăm để kiểm tra định kỳ.
Các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí những năm học vừa qua cũng không kém phần phức tạp trong việc bố trí thời điểm giảng dạy và lúc kiểm tra, nhập điểm. Ngoài ra, môn Hoạt động trải nghiệm hiện nay cũng đang khá rối trong việc phân công giáo viên thực hiện. Môn Ngữ văn thì khi kiểm tra định kỳ lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Chính vì sự bố trí các phân môn trong các môn tích hợp và hướng dẫn giảng dạy, đánh giá các môn học tích hợp nhiều khi chưa đồng nhất nên những năm học vừa qua, các phó hiệu trưởng chuyên môn và tổ trưởng chuyên môn ở các trường trung học cơ sở khá vất vả trong việc tính toán, bố trí, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần.
Việc sắp xếp, bố trí công việc, thời khóa biểu cho mấy chục con người, thậm chí hàng trăm con người với 4-5 chục lớp học hằng tuần không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi và tuyệt đối công bằng. Vì thế, dẫn đến những thắc mắc, so bì giữa giáo viên này với giáo viên khác, giữa tổ này với tổ khác.
Đó là chưa kể khi nhập điểm, nhập nhận xét, vào học bạ các môn học tích hợp cũng phải tính toán cho tương đối hợp lý để tránh những thị phi từ các tổ chuyên môn. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chuyên môn nhiều khi công việc sẽ xảy ra những bất cập.
Những bất cập có thể được phản ánh lên hiệu trưởng của nhà trường và tất nhiên hiệu trưởng nhà trường lại quy trách nhiệm cho phó hiệu trưởng. Vì thế, công việc của phó hiệu trưởng chuyên môn khá áp lực và tất nhiên phải luôn sáng tạo mới có thể hài hòa được công việc, tạo được đoàn kết nội bộ trong nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYÊN KHANG