logo

Ấp 3, Xã Phú Ngọc, Huyện Định Quá, Tỉnh Đồng Nai

Định mức tiết dạy/tuần của giáo viên THCS, THPT nên bằng nhau sẽ hợp lý hơn

25-07-2024 20:42 2084

GDVN - Cơ quan soạn thảo nên thống nhất số tiết dạy của giáo viên THS bằng với số tiết của giáo viên Trung học phổ thông (17 tiết/ tuần) sẽ công bằng, phù hợp hơn.

Ngày 21/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên cổng thông tin của để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận. Nhìn chung, dự thảo Thông tư có một số điểm quy định mới và điều chỉnh so với các Thông tư quy định hiện hành. Tuy nhiên, điều chúng tôi thấy băn khoăn là định mức số tiết dạy/ tuần của giáo viên phổ thông cơ bản vẫn đang được duy trì như những năm qua.

Trong đó, giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có nhiều điểm tương đồng về công việc, phụ cấp; tương đồng trong giảng dạy, đánh giá học trò… nhưng số tiết dạy lại đang thực hiện khác nhau ở những năm qua, hiện nay và dự thảo Thông tư vẫn quy định như vậy.

Giáo viên Trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần, còn giáo viên Trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần. Sự khác nhau này chưa thực sự phù hợp với thực tế công việc của giáo viên ở cấp Trung học cơ sở bởi họ đang phải dạy số tiết nhiều nhất và quy ra thời gian cũng nhiều nhất trong các cấp học phổ thông.

de-xuat-gv-1-9468-1666165251528970584317-0-139-630-1147-crop-1666165264618695579555-2497.jpg
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Thời gian, định mức tiết dạy/tuần của giáo viên Trung học cơ sở vẫn tiếp tục nhiều nhất

Theo Điều 5, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần. Trong đó, có 37 tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng (dành cho việc hoàn thiện các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác).

Có 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ và 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

Bên cạnh việc quy định số tuần làm việc/ năm học thì dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông cũng quy định số tiết/ tuần đối với giáo viên phổ thông như sau: Giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết;

Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học là 21 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ 5 thông dân tộc nội trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông là 15 tiết.

Như vậy, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì định mức số tiết giảng dạy/ tuần vẫn giống như những năm học vừa qua.

Theo dự thảo của Thông tư, nếu không phải là giáo viên dạy ở những trường chuyên biệt, đặc thù, không kiêm nhiệm chức vụ sẽ có số tiết, số thời gian cụ thể như sau: giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/ tuần, thời gian mỗi tiết học ở cấp tiểu học hiện nay là 35 phút/ tiết. Tổng số thời gian giảng dạy mỗi tuần trên lớp của giáo viên tiểu học sẽ bằng: 23 (tiết)* 35 (phút)= 805 phút.

Giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần, thời gian mỗi tiết cũng 45 phút nên tổng thời gian giảng dạy mỗi tuần là: 17 (tiết)* 45 (phút)= 765 phút.

Trong khi đó, giáo viên trung học cơ sở dạy theo định mức là 19 tiết/ tuần, mỗi tiết có thời gian là 45 phút nên thời gian giảng dạy hàng tuần là: 19 (tiết)* 45 (phút)= 855 phút.

Nếu so sánh giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, chúng ta thấy, thời gian và định mức giảng dạy của giáo viên Trung học cơ sở hiện nay đang nhiều nhất, hơn cấp Trung học phổ thông 90 phút, tương đương với 2 tiết dạy. Và, tất nhiên thời gian giảng dạy cũng nhiều hơn giáo viên cấp Tiểu học.

Không chỉ giáo viên cấp Trung học cơ sở có thời gian, số tiết tiết nhiều nhất mà học sinh ở cấp học này cũng đang học với thời gian, số tiết nhiều nhất/ năm học.

Cụ thể: Theo hướng dẫn của chương trình 2018, học sinh cấp Trung học cơ sở, không tính môn tự chọn, mỗi tuần học sinh lớp 6 và lớp 7 học 29 tiết, cả năm sẽ học 1015; học sinh lớp 8, lớp 9 sẽ học mỗi tuần 29,5 tiết, cả năm sẽ có 1032 tiết.

Sang cấp Trung học phổ thông, không tính các môn học tự chọn, mỗi tuần học sinh học 28,5 tiết, cả năm sẽ học 997 tiết. Các tiết học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều có 45 phút. Sự chênh lệch này khiến cho không ít giáo viên Trung học cơ sở băn khoăn và những băn khoăn là có cơ sở.

Những điểm tương đồng của giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông

Thực tế cho thấy, khi thực hiện chương trình 2006, các môn học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cơ bản giống nhau. Khi triển khai chương trình 2018, một số môn học có khác nhau về tên gọi nhưng bản chất vẫn giống nhau.

Chẳng hạn, môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở khi lên cấp Trung học phổ thông thì 2 môn học này tách thành 5 môn học độc lập như trước đây. Tuy nhiên, tính phức tạp của 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở nhiều hơn.

Các môn học khác cơ bản có tên gọi như nhau và học đại học ra thì dạy cấp Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông đều được.

Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện đang được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg…

Theo đó, phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) dành cho giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều đang hưởng 30% như nhau.

Các văn bản chỉ đạo về chuyên môn của cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đang khá giống nhau. Ví dụ, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông là chỉ đạo chung cho cả 2 cấp học.

Hoặc, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đều giống nhau, 2 cấp học này cùng áp dụng 1 thông tư để đánh giá, xếp loại học lực, rèn luyện học sinh.

Nếu như giáo viên Trung học phổ thông áp lực khi học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì giáo viên Trung học cơ sở cũng áp lực khi học sinh thi tuyển 10- kỳ thi tuyển 10 những năm gần đây còn căng thẳng hơn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Khi giảng dạy trên lớp, nếu như học sinh Trung học phổ thông đã định hình cơ bản về tâm sinh lý và trở thành những công dân đúng nghĩa khi đến lớp 12 các em đã bước sang tuổi 18 thì học sinh cấp Trung học cơ sở đang “dở dở ương ương” về tâm sinh lý nên giáo viên dạy cấp này rất vất vả trong việc uốn nắn, rèn luyện.

Thực tế, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy học sinh cấp Trung học cơ sở thường được phản ánh nhiều hơn về những mâu thuẫn bởi các em đang ở cái tuổi phát triển và định hình tính cách.

Trong khi đó, nếu so sánh thời gian, số tiết giảng dạy hàng tuần hiện nay và cả trong dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì giáo viên Trung học cơ sở đang giảng dạy nhiều hơn giáo viên Trung học phổ thông 2 tiết/ tuần.

Chính từ những phân tích ở trên, chúng tôi hy vọng cơ quan soạn thảo nên xem xét, thống nhất số tiết dạy của giáo viên Trung học cơ sở bằng với số tiết của giáo viên Trung học phổ thông (17 tiết/ tuần) sẽ công bằng, phù hợp hơn. Bởi, giáo viên 2 cấp học này đang có nhiều điểm tương đồng với nhau nhưng số tiết dạy/ tuần lại khác nhau sẽ là điều chưa hợp lý, cần được điều chỉnh cho phù hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH