logo
Cập nhật: 27.03.2014 09:33 - Lượt xem: 1,435

Bối rối phương án điểm sàn mới

Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến đóng góp về phương án rộng rãi điểm sàn mới nhằm xây dựng khung điểm sàn mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với các loại hình trường, ngành đào tạo.  

Thí sinh thi đại học năm 2013 tại Trường đại học Đồng Nai.
Thí sinh thi đại học năm 2013 tại Trường đại học Đồng Nai.

Việc Bộ GĐ-ĐT bãi bỏ quy định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) từng áp dụng trước đây để ban hành một quy định điểm sàn mới cho thấy rõ quyết tâm đổi mới, công tác thi cử. Thế nhưng, không ít ý kiến nghi ngại rằng, việc này sẽ tạo điều kiện để các trường tuyển sinh theo kiểu “vơ vét” thí sinh và “đầu vào” thấp chắc chắn “đầu ra” sẽ không đảm bảo chất lượng.

* Băn khoăn điểm sàn

Có 5 phương án xác định điểm sàn mới được đưa ra lấy ý kiến, gồm: Phương án 1, phân tầng theo tổng điểm 3 môn thi với các tiêu chí bảo đảm chất lượng điểm sàn theo tổng điểm 3 môn thi và điểm ưu tiên nhân hệ số theo ngành đào tạo; phương án 2, phân nhóm với các tiêu chí tổng điểm 3 môn theo khối thi và ngưỡng điểm tối thiểu đối với môn chính từng ngành; phương án 3, kết hợp ngưỡng chất lượng theo khối thi và môn thi với các tiêu chí là điểm sàn trên cơ sở tổng điểm 3 môn thi và điểm tối thiểu theo môn thi tương ứng với ngành đào tạo; phương án 4, tính theo đặc thù vùng miền chia khu vực tuyển sinh, gồm: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Ðông Nam bộ, Tây Nam bộ; phương án 5, tính theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị bằng phương pháp chia phổ điểm 3 môn thành 4 mức, các trường ÐH, CÐ tùy theo khả năng tuyển sinh ưu tiên gọi thí sinh trúng tuyển theo các ngưỡng khác nhau...

Mỗi kỳ thi ĐH,CĐ được tổ chức có khoảng 2 triệu thí sinh tham gia thi và 2/3 thí sinh trong số đó sẽ trượt do không đạt điểm số 3 môn bằng với điểm sàn từng bậc học mà Bộ đưa ra. Tuy nhiên, năm nay cơ hội vào giảng đường ĐH,CĐ chắc chắn sẽ nhiều hơn khi phương án điểm sàn mới được áp dụng.

Theo Bộ GD-ĐT, quyết định bỏ cách xác định điểm sàn cũ và đổi mới cách xác định điểm sàn được cho là phù hợp với thực tiễn công tác tuyển sinh của các trường, đặc biệt có nhiều trường hiện đang khó khăn vì không tuyển được thí sinh. Tuy nhiên, không hẳn trường nào cũng được hưởng lợi từ việc Bộ GD-ĐT nới lỏng quy định xác định điểm sàn mới. Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai Trần Minh Hùng cho rằng, quyết định bỏ điểm sàn cũ để áp dụng quy định điểm sàn mới có thể không ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào của trường, bởi trường thuộc tốp trên trong số các trường ĐH, CĐ tại Đồng Nai về lượng thí sinh đăng ký dự thi. Gần như năm nào trường cũng tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí hoàn thành sớm hơn công tác tuyển sinh so với hạn chót mà Bộ cho phép. Ông Hùng cho rằng quy định điểm sàn mới đang đưa ra lấy ý kiến còn khá nhiều điểm chưa rõ, nếu như không muốn nói là khó hiểu. Tuy nhiên, đã có sự linh hoạt cho từng trường, phân lớp thí sinh cho phù hợp với đầu vào của từng trường.

* Chưa thể góp ý kiến

Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Lâm Thành Hiển cho rằng, 5 phương án xác định điểm sàn mới tương đối khó hiểu để có thể áp dụng. Bên cạnh đó, việc xác định được phương án điểm sàn xét tuyển phù hợp là rất cần thiết, điểm sàn càng cao thì quá trình đào tạo càng thuận lợi, chất lượng sinh viên ra trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu quá “linh hoạt” thì khó lòng đảm bảo được sẽ có những sinh viên “chuẩn” sau khi ra trường, nếu trường đó không có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hồng Bàng, huyện Xuân Lộc trong giờ ôn tập môn Ngữ văn.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hồng Bàng, huyện Xuân Lộc trong giờ ôn tập môn Ngữ văn.

Bắt đầu từ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ đã đổi mới quy chế tuyển sinh theo hướng tăng tính tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, không ít trường cho rằng, việc cho ra đời quy định điểm sàn mới quá “linh hoạt” đối với từng trường, sẽ vô tình tạo cơ hội cho một số trường khó tuyển sinh từ trước tới nay tuyển thoải mái, làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Lê Quý Đôn Phạm Thái Thạnh cho biết, trường đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và xin mở ngành đào tạo tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Năm học 2014-2015, trường có kế hoạch tuyển 1.200 sinh viên, một chỉ tiêu không dễ thực hiện. Việc Bộ nới lỏng quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định xác định điểm sàn xét tuyển theo hướng linh hoạt, mềm dẻo sẽ là điều kiện rất tốt cho trường có thể tuyển được nhiều thí sinh. Tuy nhiên, trường sẽ nghiên cứu phương án tuyển sinh thật cụ thể, bởi trường mới, chất lượng đào tạo cần coi trọng ngay từ đầu. Nếu chạy theo số lượng sinh viên mà quên chất lượng đào tạo thì trong tương lai có thể trường sẽ vấp phải bánh xe đổ của nhiều trường hiện nay đang mắc phải.

Theo báo Đồng Nai.


Hình ảnh tiêu biểu